Exodus là sách thứ 2 của Kinh Cựu Ước, nằm trong quyển Kinh Thánh mà mọi tín đồ thờ phụng Chúa của Abraham phải đọc qua. Exodus trong tiếng Việt gọi là Xuất Egypto ký, kể về hành trình thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và trở về Đất Hứa của hơn nửa triệu dân Do Thái, được dẫn dắt bởi tiên tri Moses. Ông được xem là Hoàng Tử Ai Cập vì được Công Chúa Ai Cập nhận nuôi từ bé và được học hành chung với các hoàng tử khác, trong đó có Ramesses II. Ngày Moses bị lưu đày khỏi Ai Cập, Hoàng Gia đã tước đi của Moses mọi thứ đã cho, tước vị, quyền lực, của cải. Duy chỉ có một thứ Hoàng Gia không thể lấy lại được, và Moses đã dùng nó trong suốt những tháng năm còn lại của đời mình để dẫn dắt dân Chúa khỏi ách nô lệ, đó là trí tuệ. Cảnh bần cùng khi ấy của dân Do Thái không đủ sức dạy nên một nhà lãnh đạo nên Chúa trời đã gửi lãnh tụ của dân mình vào trường học tốt nhất thời đó, Hoàng Gia Ai Cập.

Môn học được loài người biết đến đầu tiên là môn Triết. Từ triết học - philosophie có nghĩa là ham thích kiến thức ( phil = thích, sophie = trí tuệ). Tuy nhiên, do khả năng đi lại hạn chế và công cụ ghi chép chưa được dồi dào mà việc truyền bá kiến thức trở nên co cụm, chủ yếu tập trung ở trung tâm của các nền văn minh như Athens hay Alexandria. Thậm chí, hiền triết nổi tiếng như Socrates còn không thèm viết một từ nào. Tất cả những gì chúng ta biết về ông hoặc là do truyền miệng hoặc là từ Platon.

Ngay cả khi kỹ thuật in ấn đã trở nên thông dụng và dịch vụ thư tín bắt đầu phổ biến, sự truyền bá kiến thức vẫn còn gặp khó khăn vì thiếu một kho lưu trữ chung và một khả năng trích lục bao quát. Bất đồng ngôn ngữ cũng góp phần trầm trọng hóa vấn đề. Điều này dẫn tới sự trùng lặp trong công việc và đó chính là sự lãng phí tài nguyên. Dễ thấy nhất là việc Newton và Leibniz vô tình nghiên cứu cùng một vấn đề trong cùng một thời gian. Hay Abel và Galois trùng hợp đều chứng minh rằng phương trình bậc 5 không có công thức nghiệm tổng quát đơn giản mà không hề biết về công trình của nhau.