Cuốn sách "Tớ không sợ bị bắt nạt" chứa đựng thông tin dành cho những người đã từng bị bắt nạt hoặc cần trang bị thêm sự hiểu biết về vấn đề này trong học đường.

Việc bắt nạt có nhiều hình thức, trong đó hình thức thường thấy nhất là tấn công, hăm dọa hoặc chế giễu, nhạo báng, nhục mạ… Nạn nhân thường bị hành hạ, bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, con số nạn nhân cũng vì vậy mà ngày càng gia tăng, những trò bắt nạt của học sinh thậm chí diễn ra cả bên ngoài trường học. Thông thường, trẻ em sẽ tìm đến gia đình để được bảo vệ. Nhưng đối với những em bị bắt nạt, việc nói ra sự thật các em là nạn nhân của trò bắt nạt lại vô cùng khó khăn.

Tớ không sợ bị bắt nạt chính là một cuốn sách chứa đựng thông tin dành cho bất cứ ai đã từng bị bắt nạt hoặc biết đến bắt nạt, cần trang bị thêm cho mình sự hiểu biết. Với những tình huống phổ biến nhất và những nghiên cứu dựa trên sự phát triển tâm lý của con người, tác giả cuốn sách - bác sĩ tâm lý người Pháp Emmanuelle Picquet - đã đưa ra 15 giải pháp cho những trò bắt nạt thường thấy nhất, giúp các em có thể tự bảo vệ mình, dễ dàng tìm đến sự trợ giúp từ phía gia đình và nhà trường. 

Tớ không sợ bị bắt nạt - Cuốn sách về nạn bắt nạt trong học đường - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, cuốn sách có những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh của họa sĩ Lisa Mandel, giúp các em có cái nhìn đầy màu sắc để tự tin, dũng cảm chống lại nạn bắt nạt, bảo vệ quyền lợi của chính mình. 

Tác giả Emmanuelle Picquet cũng đã có những chia sẻ để độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này. Bà không chỉ là người lập ra một số trung tâm đào tạo và trị liệu về rắc rối học đường dành cho trẻ em, thanh thiếu niên cũng như các bậc phụ huynh và giáo viên đang gặp khó khăn liên quan mà còn là chuyên gia về vấn nạn bắt nạt học đường.

Chuyên gia Emmanuelle Picquet cho biết: "Thực tế, ai trong chúng ta cũng có lúc trải qua chuyện này, dù ta không còn nhớ gì hay từng phải đi trị liệu. Vì vậy, đây không phải hiện tượng mới mẻ. Hơn nữa, rất khó để đánh giá qua các số liệu bởi trước năm 2011 chưa có cuộc điều tra nào được tiến hành liên quan đến tình trạng nạn nhân hóa mà ở đó chính các em nhỏ là người được hỏi. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc người ta càng lúc càng nhắc nhiều đến hiện tượng này đã khiến người lớn có thái độ quyết liệt hơn, đó là các bậc phụ huynh hoặc các thành viên trong ngành giáo dục và mối lo lắng ấy cũng lan dần sang các em nhỏ. Nhưng đáng buồn là nỗi lo ấy có thể khiến các em trở nên dễ tổn thương hơn".

Thông qua cuốn sách, tác giả còn đề cập cả về những điều đáng chú ý như mối liên hệ giữa mạng xã hội và những hình thức bắt nạt, những dấu hiệu giúp người lớn phát hiện ra trẻ đang phải chịu đựng sự bắt nạt... Trong đó, bà nhấn mạnh: "Triệu chứng cuối cùng phải để ý bởi đây là triệu chứng biến đổi từ từ khó nhận thấy: trẻ đang từ chỗ điềm đạm, tình cảm bỗng trở nên cáu giận, gây gổ và khiêu khích. Vấn đề là chuyện đó thường xảy ra nhất ở trường trung học, ở lứa tuổi thiếu niên". Những điều ấy cũng đã biến cuốn sách Tớ không sợ bị bắt nạt trở thành cuốn cẩm nang chống bắt nạt của học sinh tại Pháp. 

Bình luận

Viết bình luận

Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!